Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Tản mạn các loại bánh ngọt mùa xuân

Bánh ngọt vừa là món ăn tráng miệng, bồi bổ sức khỏe, cho thân thể thơm tho vừa đem tới trong năm mới nhiều điều tốt đẹp dựa trên màu sắc sặc sỡ, vẻ tròn đầy và vị ngọt thơm của bánh.
Từ đầu xuân, ở đâu người dân cũng làm rất nhiều loại bánh, để dâng cúng và thưởng thức sau bữa cỗ mặn hoặc cầm đi chơi làm quà tặng bạn bè trong các chuyến du xuân, và nhờ bánh có hương vị ngọt ngào, pha chút cay nồng có thể xua tan giá lạnh và giúp cho những câu chuyện đầu năm rôm rả. 
Bánh gấc - Ảnh: Chu Mạnh Cường
Người ta chủ yếu làm hai thứ bánh là bánh ướt (bánh dính, gói lá) và bánh khô (bánh bở, không gói lá). Bánh ướt có thịt mềm được chế từ gạo nguyên hạt hoặc bột hấp, còn bánh khô có thịt cứng, do gạo hoặc bột bị nén hay hấp chín rồi phơi săn, lúc ăn mới đem luộc, rán, nướng mềm.
Mỗi thứ bánh đều hấp dẫn, cầm vừa tay, trông đẹp mắt, ngửi thấy thơm, ăn có vị ngọt bùi. Nói chung, một cái bánh gồm hai phần: da bánh bằng bột, cán mỏng bao lấy nhân bánh bằng đậu xanh hoặc chuối chín tán mịn, thắng đường, có thể thêm một ít dừa nạo, mứt bí, hạt dưa, đậu phộng, vừng rang... đôi khi là thịt, mỡ, rau củ gia vị, nhất là gừng và hành cho vị cay ấm. Đa số đều gói lá, như lá dong, lá chuối, lá vả, lá tre buộc lạt, đưa vào xửng hấp một, hai tiếng.
Bánh ngọt ở ba miền thường chỉ khác nhau tên gọi, còn cách chế biến tương tự. Đại thể miền Bắc có bánh chưng, bánh dày ngọt, bánh mật, bánh gấc, bánh gio, bánh sắn, bánh nhãn, bánh cáy, bánh bỏng, bánh khảo, bánh rán... Miền Trung và miền Nam có bánh tét, bánh gai, bánh in, bánh bó, bánh ít, bánh lọt, bánh nổ, bánh rế, bánh thuẫn, bánh tổ, bánh pía, bánh bông lan, bánh ú tro, bánh bò, bánh da lợn, bánh tai heo, bánh kẹp lá dứa...
Mỗi thứ bánh luôn giàu biểu tượng gắn với nền văn minh lúa nước, phản ánh các loại lương thực nuôi sống con người và tín ngưỡng bản địa. Trong đó chứa các yếu tố của đạo Mẫu như vỏ bánh là tượng trưng về người mẹ, nhân bánh là đàn con đông đúc đủ các thành phần sắc tộc. Đặc biệt bánh gói lá thể hiện sự bao dung và chở che hết lòng.
Bánh hấp, bánh ướt, bánh dính hàm ý của nước đem lại sự sinh sôi - nảy nở; bánh nướng, bánh khô nhờ lửa lại cho sự vun vén, ấm cúng. Cùng đó là những ước mơ, lời chúc hay tâm sự kín đáo như ở miền Bắc có bánh su sê, miền Trung bánh in, miền Nam bánh pía trên bề mặt thường in những chữ phúc, lộc, thọ, hỷ, tài hoặc hình mai đào, long phụng... biểu thị cho khát khao sống lâu, vui vẻ và phú quý.
Tên gọi của bánh cũng ý nghĩa như bánh tổ gợi nhớ về quê hương - bản quán; bánh phu thê đề cao tình chung thủy - keo sơn, bánh gấc gửi gắm sự lạc quan, năng động... Một số bánh từ lâu đã là niềm tự hào, thương hiệu của các địa phương bởi hương vị, hình dạng đặc sắc như bánh cáy Thái Bình, bánh gấc Hà Tây (cũ), bánh cốm Hà Nội, bánh gio Bắc Ninh...
Các khâu chế biến bánh xuân thường khá cầu kỳ, trang trọng. Đầu tiên, người ta thường phải ngâm gạo, đậu, sắn vài đêm, có loại bánh cần gạo phải phơi nắng, phơi sương nhiều ngày mới xay thành bột. Nhân phải ướp đường cả tuần hay tháng cho ngấm.
Thứ hai, khi bánh thành hình, đối với một số loại thì khi hấp xong lại phải sấy khô. Ngoài nét chung, mỗi nhà cũng có sáng tạo riêng, như bánh vốn chỉ có hình vuông thì nay cho thêm hình tròn, đa giác, nón, trụ hay hoa, lá... Cũng có thể in chữ, đề thơ hay đặt tên vui cho bánh.
Bánh in - Ảnh: Internet
Theo truyền thống, cứ đến đầu năm, phụ nữ trong nhà lại tự tay chế biến bánh ngọt chung vui cùng gia đình và mời khách quý. Bà và mẹ nhân dịp này dạy con gái làm một số bánh đặc sản, qua đó thử tài nữ công gia chánh của dâu con. Người ta thường sắp bánh thành cỗ cúng trên bàn thờ tổ tiên và thần linh, mỗi mâm bánh thường chứa từ năm loại bánh trở lên, đặc biệt ở Huế có thứ bánh phục linh tương tự với oản và bánh khảo của Hà Nội, trong một gói bánh có đến dăm, bảy màu sắc đẹp mắt lại gợi cảm giác thanh bình, khang thái.
Các gia đình có thân nhân ở cả Nam, Trung hoặc Bắc thường trưng bánh của ba miền. Để khi thăm nhà, ai nấy đều như thấy được hình bóng quê hương. Với niềm tin về sự ngọt ngào, viên mãn, gia chủ luôn lấy bánh ngọt để làm quà mừng tuổi con trẻ và tặng khách quý cũng như giới thiệu với bạn bè bốn phương trong các lễ hội cổ truyền. Người lớn thường cho trẻ những xâu bánh cầm tay rong chơi và bản thân cũng mang bánh chu du, nhất là phụ nữ vừa lập gia đình thường lấy bánh làm vật ra mắt nhà chồng. Tuy nhỏ bé song mỗi chiếc bánh đều thể hiện cho tấm lòng thơm thảo của con dâu.
Qua cách chế biến và thưởng thức bánh, dễ dàng nhận biết được đặc trưng của mỗi gia đình, vùng- miền. Phàm những nhà có nhiều trẻ con thường gói bánh sặc sỡ, đủ cả nhân ngọt lẫn mặn nhằm phục vụ đa sở thích. Nhà theo đạo Phật luôn gói bánh ngọt, nguyên liệu hoàn toàn thực vật, không có thịt, mỡ. Dân nghèo thường thích màu mè, vị ngọt sắc và hay dùng đường phên (đường bát) làm bánh trong khi nhà giàu, quyền quý lại chuộng màu trắng - xanh hoặc hồng, vị thanh được cất từ đường cát, tinh luyện. 
Người miền Bắc hay ăn nóng, ăn liền còn miền Nam và Trung thường để đó sấy khô (do có tục cúng bánh và dùng dần).
Ở Huế và nhiều nơi do phong cách cung đình, lễ nghi ăn bánh phải ngồi ghế, nhâm nhi cùng trà, song ở Hà Nội nhiều người thường dễ dãi cầm bánh đi rong. Điều ấy cho thấy sự đa dạng về khẩu vị cũng như thẩm mỹ trong cách giải trí dân dã.

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Thu nhập cao nhờ trồng cây lá gai

Gia đình ông Đỗ Như Hòa, ở thôn Phú Lạc, xã Bình Thành (huyện Tây Sơn) chuyên trồng cây gai chủ yếu lấy lá cung cấp cho các cơ sở làm bánh ít lá gai trong và ngoài huyện.
Tận dụng 3 sào đất vườn nhà, ông Hòa nhân giống cây gai địa phương (còn gọi là cây lá gai) bằng cách giâm hom để trồng. Hơn 3 năm qua, ông Hòa đã tuân thủ quy trình canh tác theo hướng VietGAP, dùng phân hữu cơ, vi sinh bón lót, xới xáo đất kỹ lưỡng, đảm bảo nguồn nước tưới, nên vườn cây lá gai luôn xanh tốt, cho sản phẩm sạch. Ông còn lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, vừa tưới tiết kiệm, vừa có tác dụng rửa sạch mặt lá cây, tránh bụi, đất và các pha tạp khác bám vào.
Ông Đỗ Như Hòa chăm sóc vườn cây lá gai. Ảnh: Đ.M.T
Ông Hòa cho biết: “Lá gai là nguyên liệu với hương vị đặc biệt để làm bánh ít lá gai, vốn là đặc sản Bình Định. Sau 45 ngày trồng, cây gai bắt đầu cho thu hoạch lá, năng suất bình quân 3 tạ lá tươi/sào. Một năm thu hoạch được 10 đợt lá; mỗi đợt khoảng 1 tấn lá tươi/3 sào. Hiện nay, giá bán tại vườn 7.000 đồng/kg lá tươi, gia đình tôi có thu nhập 70 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng truyền thống như bắp, đậu phụng, mì trên cùng diện tích.
Để da dạng sản phẩm, ông Hòa còn cung cấp lá gai khô theo nhu cầu dự trữ nguyên liệu của khách hàng. Lá gai tươi non xé nhỏ, bỏ gân lá, phơi 2 nắng to, thật khô là được thành phẩm, với tỉ lệ 6 kg lá tươi thành 1 kg lá khô.
“Sắp tới tôi mở rộng thêm diện tích lên khoảng 7 sào - 10 sào cây lá gai để tăng năng suất, sản lượng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng cao của khách hàng”-ông Hòa chia sẻ. 

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Mua cây lá bánh gai ở đâu tại hà nội

Cây gai có vị ngọt đắng, tính mát, đi vào hai kinh tâm, thận; thường dùng để trị các bệnh đường tiểu như: bí tiểu, tiểu đục, tiểu ra máu, còn dùng để cầm máu và trị động thai. Cây gai còn gọi là trữ ma, tầm ma, tầm gai, cây gai bánh. Tên khoa học Boehmeria nivea (L) Gaud, (Urtica nivea L), họ Gai. 



Đây là cây mà dân gian vẫn dùng lá làm bánh gai ăn và sợi để dệt làm lưới đánh cá. Cây này thường mọc hoang. Có thể trồng bằng gốc hay giâm cành vào mùa xuân. Cây sống lâu năm, có thể cao tới 1,5 – 2m. Lá lớn, mọc so le, hình tim, dài 7 – 15cm, rộng 4 – 8cm, mép có răng cưa, đáy lá hình tim hay hơi tròn, mặt dưới trắng vì có nhiều lông trắng, mặt trên có màu lục sẫm, ráp, có 3 gân từ cuống phát ra. Lá và rễ cây này đều dùng làm thuốc. Lá bánh gai thu hái vào mùa hè, phơi khô, tán bột để làm bánh. Thân cây có sợi dừng để dệt bao bố. Rễ được gọi là trữ ma căn, hái vào bất cứ mùa nào, nhưng tốt nhất là vào thu đông. Hái về rửa sạch đất phơi hay sấy khô. Rễ có vị đắng, tính hơi hàn, quy kinh tâm, thận. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ, thông lâm, an thai. Dùng trong các trường hợp đơn độc, sang lở, đái buốt, đái rắt, phụ nữ có thai đau bụng, ra huyết, xích bạch đới, viêm cổ tử cung. Liều dùng 10 – 20g.

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

6 điều nên tránh khi mang thai

Suốt thời kỳ mang thai, việc giữ gìn cẩn thận sức khỏe của mẹ và bé đóng vai trò vô cùng quan trọng đặc biệt là trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Chính vì vậy, việc tìm hiểu về những kiến thức, kinh nghiệm làm thế nào để đảm bảo sức khỏe, sự an toàn và khả năng phát triển toàn diện sau này của bé đóng vai trò vô cùng quan trọng


Không tiêm phòng trước khi mang thai

Nhiều mẹ bầu suy nghĩ đơn giản “chắc sẽ không sao đâu” và không thực hiện việc tiêm phòng trước khi mang thai, điều này là hết sức nguy hiểm và có thể gây ra những hậu quả không thể lường trước được như sẩy thai, thai chết lưu, thậm chí gây tử vong cả mẹ và bé do trong quá trình mang thai mẹ bầu bị mắc một số bệnh có thể tiêm ngừa trước. Chính vì vậy, để có một kỳ mang thai an toàn, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, trước khi có ý định sinh con khoảng 3 tháng, mẹ bầu cần đi tiêm phòng các loại văc xin ngừa một số bệnh cần thiết bao gồm: rubella, thủy đậu, sởi, cúm, viêm gan siêu vi A, siêu vi B, thương hàn, phổi, quai bị…..nhé.

Cần tránh hút thuốc lá khi mang thai

Trong thuốc lá có chứa chất nicotine và nhiều chất độc hại nguy hiểm khác. Nếu trong thời kỳ mang thai mà mẹ bầu hút thuốc lá hay tiếp xúc với môi trường có nhiều khói thuốc sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, em bé sinh ra bị nhỏ cân, sức khỏe yếu, sức đề kháng hạn chế, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, hen suyễn đồng thời làm giảm chất và lượng của sữa mẹ nữa đấy. Chính vì vậy nếu bạn có thói quen hút thuốc lá hãy cai ngay trước khi có ý định sinh em bé đồng thời trong suốt thai kỳ tuyệt đối không được tiếp xúc với môt trường có khói thuốc để đảm bảo cho bé có một sức khỏe tốt, một nền tảng phát triển toàn diện sau này nhé.
Ăn những thực phẩm có thể gây hại đến thai nhi

– Những thức ăn có chứa nhiều vi khuẩn: Có thể do thói quen, do sở thích hoặc do thiếu hiểu biết nhiều mẹ bầu trong khi mang thai vẫn ăn những thức ăn có chứa nhiều vi khuẩn gây hại như pate, pho mát, thức ăn tái, sống, thức ăn lạ, đồ uống không tiệt trùng…. hay trái cây, rau xanh có chứa thuốc trừ sâu và hàm lượng chất bảo quản cao có thể làm thai nhi gặp nguy hiểm, chết non. Do đó, khi mang thai mẹ bầu tuyệt đối không được ăn những thực phẩm kể trên nhé, tốt nhất nên ăn rau xanh, trái cây tươi mình tự trồng hoặc có nguồn gốc đảm bảo an toàn để tránh những hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra nhé.

– Các loại cá có chứa thủy ngân: Như cá ngừ, cá mập, cá kiếm,…. Mẹ bầu cũng nên tránh xa vì hàm lượng thủy ngân trong cá sẽ gây ra những tổn hại đến hệ thần kinh của thai nhi;

– Rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác: Bởi vì chúng sẽ nhanh chóng thâm nhập vào thai nhi qua nhau thai khiến bé yêu khi sinh ra chậm phát triển về cả trí tuệ và thể chất, gặp các vấn đề về hành vi, khiếm khuyết về tim và khuôn mặt, rất nguy hiểm. Nên mẹ bầu tuyệt đối phải tránh rượu, bia, đồ uống có cồn trong suốt kỳ mang thai nhé;

– Những thực phẩm làm tăng nguy cơ sẩy thai mẹ bầu cần tránh: Đu đủ xanh, cua, ba ba, dứa, rau sam, táo mèo, đồ uống có chứa caffein, gan động vật,…. Những thực phẩm này sẽ gây ra sự co bóp mạnh ở tử cung và những ảnh hưởng khác làm tăng nguy cơ sẩy thai rất nguy hiểm nên mẹ bầu cần tuyệt đối tránh dưới mọi hình thức nhé.

Tự ý mua, uống thuốc chữa bệnh khi mang thai

Bởi vì có nhiều loại thuốc có thể giúp bạn nhanh lành bệnh, an toàn cho mẹ nhưng lại gây nguy hiểm cho thai nhi, do đó khi bị bệnh bạn cần đến bác sỹ để được hướng dẫn điều trị phù hợp, tuyệt đối không được tự kê đoan cho bản thân khi chưa hỏi ý kiến bác sỹ nhé. Việc sử dụng thuốc trong quá trình mang thai cần cẩn thận cả về loại thuốc, liều lượng, thời điểm uống thuốc để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé nhé.

Đi giày cao gót là điều cần tránh khi mang thai

Đây là việc làm cực kỳ nguy hiểm dù biết giày cao gót giúp bạn trông đẹp hơn, tôn dáng hơn nhưng khi mang thai thì bạn tuyệt đối nói không với phụ kiện này nhé. Vì chỉ cần một chút sơ sẩy do giày cao gót mang lại như sẩy chân, gãy gót giày,… thôi sẽ mang lại hậu quả khôn lường như thai bị tổn thương, sẩy thai thậm chí tử vong cho cả mẹ bầu và bé nữa đấy.

Quan hệ vợ chồng gây nguy hiểm cho thai nhi

Đặc biệt là trong 3 tháng đầu và 1 tháng cuối trước khi sinh, vì khi lên đến “cao trào” tử cung của mẹ sẽ co bóp mạnh có thể gây sẩy thai, sinh non rất nguy hiểm. Do đó, để đảm bảo an toàn mẹ bầu nên tránh quan hệ vợ chồng trong thời gian nhạy cảm này nhé, nếu vợ chồng muốn gần gũi, bạn có thể tìm hiểu các tư thế quan hệ an toàn nhưng tốt nhất là không nên quan hệ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thai nhi nhé.


Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Ăn gì để con thông minh


Sự thiếu hụt các chất như axit folit, vitamin D, sắt... trong thai kỳ có thể khiến trẻ sinh ra có bộ não yếu kèm theo các vấn đề về hành vi. Do đó thai phụ nên ăn cá, trứng, cải bó xôi, sữa chua... để con thông minh.



Những gì mẹ ăn ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể lẫn sự phát triển tâm trí của trẻ. Có nhiều loại thực phẩm giúp tăng cường trí tuệ cho con bạn. Không chỉ trong thai kỳ, hãy bắt đầu ăn những thực phẩm này ngay khi bạn quyết định mang bầu. Dưới đây là những thực phẩm người mẹ nên ăn để trẻ thông minh hơn:
[Caption]
Ảnh: BoldSky
Các loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá thu... rất giàu omega 3 cần thiết cho não bộ. Một nghiên cứu chỉ ra rằng các bà mẹ ăn ít hơn hai bữa cá một tuần sinh ra những đứa trẻ có IQ thấp hơn so với những người ăn ít nhất 2 bữa cá mỗi tuần.
Trứng
[Caption]
Ảnh: BoldSky
Trứng rất giàu axit amin choline giúp kích thích não phát triển và tăng cường trí nhớ ở trẻ nhỏ. Ăn ít nhất hai quả trứng mỗi ngày sẽ cung cấp một nửa lượng choline cần thiết cho bà bầu. Trứng cũng chứa rất nhiều protein và sắt làm tăng cân nặng khi sinh của trẻ. Sự thiếu cân khi sinh được cho là có liên quan đến chỉ số IQ thấp.
Sữa chua
[Caption]
Ảnh: BoldSky
Cơ thể của người mẹ phải làm việc cật lực để tạo nên các tế bào thần kinh của thai nhi. Bởi vậy, bạn cần bổ sung thêm protein, ăn những thực phẩm giàu protein như sữa chua, bên cạnh các nguồn protein khác. Sữa chua còn chứa canxi - cũng rất cần thiết trong thai kỳ.
Cải bó xôi, ức gà và đậu
[Caption]
Ảnh: BoldSky
Những loại thực phẩm này chứa nhiều sắt giúp con bạn thông minh hơn. Chúng đều là những thứ cần ăn trong khi mang bầu. Sắt giúp vận chuyển khí oxy đến tế bào não của thai nhi. Bạn cũng có thể uống thêm sắt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Quả việt quất
[Caption]
Ảnh: BoldSky
Các loại quả như việt quất, atisô, cà chua và đậu đỏ giàu chất chống oxy hóa. Chúng giúp bảo vệ mô não của thai nhi và giúp não phát triển.
Vitamin D
[Caption]
Ảnh: BoldSky
Vitamin D cũng rất quan trọng đối với sự phát triển não trẻ. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mẹ có lượng vitamin D thấp trong thai kỳ sẽ sinh ra con có bộ não kém hoạt động. Bạn cần bổ sung vitamin này, bao gồm cả việc tiếp xúc với ánh mặt trời; nên ăn trứng, pho mát, thịt bò, gan... Đó là những nguồn vitamin D dồi dào.
I-ốt
[Caption]
Ảnh: BoldSky
Sự thiếu hụt i-ốt trong thai kỳ, đặc biệt là trong 12 tuần đầu, làm giảm IQ của trẻ. Bạn cần phải ăn muối i-ốt khi mang bầu. Ngoài ra, hãy ăn thêm cá biển, trứng, sữa chua, hàu...
Axit folit
[Caption]
Ảnh: BoldSky
Axit folit rất quan trọng trong sự hình thành mô não của trẻ. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ sinh con mắc hội chứng tự kỷ ở những người có bổ sung axit folit 4 tuần trước và 8 tuần sau khi mang bầu ít hơn 40% so với những phụ nữ khác. Nguồn axit folit là các loại rau lá xanh như cải bó xôi, đậu lăng... Bạn cũng có thể uống thêm axit folit cùng vitamin B12
.

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Nhờ củ gai tươi mà Mẹ Chíp đã giữ được bé yêu

Hiện tượng sảy thai là tình trạng thường xuất hiện trong vòng 3 tháng đầu mang thai. Dưới đây là những dấu hiệu điển hình báo hiệu tình trạng có thể sảy thai.
 - Ra máu
 - Đau và co bóp
 - Dọa sảy

 
Củ gai là một vị thuốc an thai phổ biến mà nhân dân ta thường dùng. Trường hợp bị dọa sẩy thai nên dùng 60gram rễ cây gai mới hái hoặc phơi khô sắc với 800ml nước, cô làm 300ml chia làm 3 lần uống trong ngày. Chỉ một, hai ngày là có kết quả. Gai vị còn là vị thuốc lợi tiểu, trị chứng tiểu tiện, đại tiện ra máu, viêm tử cung, sa tử cung. Củ gai tươi cũng có tác dụng rất tốt cho người mẹ mang thai, có thể dùng cho người mang thai như một loại thực phẩm bổ dưỡng an thai bằng cách nấu với gà ác, móng giò, bồ câu... thành các món ăn bổ dưỡng hoặc luộc ăn, đun sắc nước để uống thay nước uống hàng ngày..
Rất nhiều các bà mẹ đã tâm sự trên diễn đàn về lợi ích của  củ gai:
 
Tâm sự của Mẹ Chíp
 
Nhưng đúng là để sinh được một đứa con không hề dễ. Từ ngày mang thai, mình đã cố gắng tẩm bổ rất nhiều, ăn uống đủ chất và đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Mình cũng kiêng khem rất kỹ vì nghĩ mình khó khăn chuyện con cái nên giờ có được tí phải cẩn thận nhưng đúng là không thể nói trước được gì. Hồi mang thai được hơn 9 tuần, mình bị đau bụng nhẹ và thấy có máu xuất hiện ở “vùng kín”, mình vô cùng lo lắng và bắt ông xã nghỉ việc trở ngay đến bệnh viện khám. Bác sĩ kết luận mình bị bong rau 8.3*2.9mm, có dấu hiệu dọa sảy thai nhẹ. Nghe tin đó, mình thực sự không đứng vững bởi mình đang rất mong chờ đứa con này chào đời và đó là niềm hy vọng của hai vợ chồng và cả đại gia đình đã từ lâu.

Mình đã khóc ngay trước mặt bác sĩ vì sợ hãi, sợ sẽ mất đứa con khó khăn lắm mới có được. Bác sĩ mỉm cười bảo mình không nên lo lắng quá, cứ cố gắng dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và tránh đi lại. Bác sĩ còn mách mình một bài thuốc rất hay mà mình nhớ mãi. Đó là bài thuốc đã giúp bé Chíp ở lại với mình cho đến bây giờ. Bác sĩ bảo mình về nhà mua củ gai khô để sắc lấy nước uống hoặc mua củ gai tươi luộc, nướng ăn đều rất tốt và có công dụng an thai đặc biết bài thuốc này tốt cho người bị dọa sảy thai, bị chảy máu khi mang thai 3 tháng đầu.

Ngay hôm đó về nhà, ông xã đã ra ngay chợ để tìm mua củ gai. Củ gai này ngày nay khá hiếm và phải tìm mua mãi ở những bà bán hàng lá hoặc mua củ phơi khô ở viện Đông y hoặc hiệu thuốc Đông y. Ông xã đã tự tay nướng những củ gai tươi cho mình ăn và thật may mắn bài chỉ sau 3 ngày, mình đã đỡ bệnh và máu không còn bị chảy ở ‘vùng kín’ nữa.
7 ngày sau đi khám lại, bác sĩ nói thai nhi của mình đã ổn định và qua thời gian nguy hiểm. Mình rối rít cảm ơn bác sĩ, cảm ơn bài thuốc dân gian bác sĩ đã mách cho mình để ngăn ngừa sảy thai và giúp Chíp nhà mình chào đời khỏe mạnh.”


Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Bột lá gai làm bánh gai - Công thức dễ làm, tiện lợi

Bánh gai hay còn gọi là bánh ít lá gai là một loại bánh truyền thống của người Việt Nam, bắt nguồn từ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cách làm bánh gai thường được người Việt thực hiện vào những dịp lễ, tết, đám, đình.  Hôm nay   vườn Hải Đăng  hướng dẫn các bạn cách làm nhé.


Công thức này sử dụng bột lá gai là loại nguyên liệu “mới”.  Không dùng lá ninh lấy nước cho nên không mất công nhiều.

CÁCH ĐỂ CÓ BỘT LÁ GAI HOÀN CHỈNH
- Hái lá gai tươi

- Rửa sạch, phơi khô

- Nghiền thành bột

- Bắt tay làm nhé:



CÁCH LÀM CHO 6 CHIẾC BÁNH

Nguyên liệu:
Vỏ:
– 160g bột nếp
– 40g bột lá gai
– 130g đường trắng hoặc đường nâu đều được (tùy khẩu vị mà thêm bớt. Vỏ bánh ngọt giữ được lâu hơn vỏ nhạt đường)
– 1 nhúm muối
– 130g nước
– 30g vừng đen, rang chín, giã mịn
– 10g vừng nâu
Nhân:
– 100g đỗ xanh
– 40g mứt bí, thái hạt lựu

– Dừa bánh tẻ: khoảng 30g, thái miếng nhỏ (hoặc 30g dừa nạo sợi, cắt ngắn)
– 20 hạt mứt sen, tách đôi
– một nhúm muối
– Dầu chuối
Gói bánh:
Lá chuối khô, rửa và lau sạch
Lạt giang
Cách làm:
Vỏ: Trộn lẫn bột nếp, bột lá gai, bột vừng đen, đường, muối, nước. Nhồi khối bột dẻo, mịn (sẽ hơi dính tay).  Chia bột thành 6 phần, mỗi phần khoảng 70g.
Nhân: Đỗ xanh ngâm nở, hấp chín, giã nhuyễn.  Trộn đường, mứt bí thái hạt lựu, mứt sen, dừa, muối.  Nếu đỗ có cảm giác ướt thì có thể cho lên bếp sên sơ, cũng có thể cho vào lò vi sóng vài phút cho bốc hơi nước bớt, đỗ sẽ khô ráo hơn. Vài giọt dầu chuối trộn vào sau cùng.  Chia đỗ thành 6 phần, mỗi phần khoảng 50g.
Nặn bánh: Dàn viên bột vỏ, đặt viên đỗ vào giữa, vo tròn, gói kín (giống như gói bánh rán hay bánh trung thu).  Ấn dẹt, dày khoảng gần 1cm.  Rắc một ít vừng vào giữa chiếc bánh, cả hai mặt.
Gói bánh: Đặt bánh vào miếng lá chuối khô có chiều rộng khoảng 30cm (nếu miếng lá hẹp phải can 2-3 chiếc).  Gấp mép lá  (theo chiều dọc) gói lại.  Gấp tiếp hai đầu tạo thành hình vuông.  Tiếp theo là lớp lá ngoài: Xếp khoảng 2-3 miếng lá chồng lên nhau, đặt bánh đã gói 1 lớp lá lên, gói lại như lần 1.
Hấp bánh: Xếp bánh vào nồi hấp, hấp chín.
Sau khi bánh chín, lấy ra buộc thành từng bó 5 chiếc một: 4 chiếc dọc 1 chiếc ngang.  Dùng lạt buộc lại cho chặt.  Treo nơi khô ráo.  Qua một ngày, vỏ lá chuối bên ngoài sẽ khô ráo, bánh bên trong nguội và ráo nước.

Vườn hải đăng chúc các bạn thành công.