Gia đình ông Đỗ Như Hòa, ở thôn Phú Lạc, xã Bình Thành (huyện Tây Sơn) chuyên trồng cây gai chủ yếu lấy lá cung cấp cho các cơ sở làm bánh ít lá gai trong và ngoài huyện.
Tận dụng 3 sào đất vườn nhà, ông Hòa nhân giống cây gai địa phương (còn gọi là cây lá gai) bằng cách giâm hom để trồng. Hơn 3 năm qua, ông Hòa đã tuân thủ quy trình canh tác theo hướng VietGAP, dùng phân hữu cơ, vi sinh bón lót, xới xáo đất kỹ lưỡng, đảm bảo nguồn nước tưới, nên vườn cây lá gai luôn xanh tốt, cho sản phẩm sạch. Ông còn lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, vừa tưới tiết kiệm, vừa có tác dụng rửa sạch mặt lá cây, tránh bụi, đất và các pha tạp khác bám vào.
Ông Đỗ Như Hòa chăm sóc vườn cây lá gai. Ảnh: Đ.M.T |
Ông Hòa cho biết: “Lá gai là nguyên liệu với hương vị đặc biệt để làm bánh ít lá gai, vốn là đặc sản Bình Định. Sau 45 ngày trồng, cây gai bắt đầu cho thu hoạch lá, năng suất bình quân 3 tạ lá tươi/sào. Một năm thu hoạch được 10 đợt lá; mỗi đợt khoảng 1 tấn lá tươi/3 sào. Hiện nay, giá bán tại vườn 7.000 đồng/kg lá tươi, gia đình tôi có thu nhập 70 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng truyền thống như bắp, đậu phụng, mì trên cùng diện tích.
Để da dạng sản phẩm, ông Hòa còn cung cấp lá gai khô theo nhu cầu dự trữ nguyên liệu của khách hàng. Lá gai tươi non xé nhỏ, bỏ gân lá, phơi 2 nắng to, thật khô là được thành phẩm, với tỉ lệ 6 kg lá tươi thành 1 kg lá khô.
“Sắp tới tôi mở rộng thêm diện tích lên khoảng 7 sào - 10 sào cây lá gai để tăng năng suất, sản lượng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng cao của khách hàng”-ông Hòa chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét