Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Thu nhập cao nhờ trồng cây lá gai

Gia đình ông Đỗ Như Hòa, ở thôn Phú Lạc, xã Bình Thành (huyện Tây Sơn) chuyên trồng cây gai chủ yếu lấy lá cung cấp cho các cơ sở làm bánh ít lá gai trong và ngoài huyện.
Tận dụng 3 sào đất vườn nhà, ông Hòa nhân giống cây gai địa phương (còn gọi là cây lá gai) bằng cách giâm hom để trồng. Hơn 3 năm qua, ông Hòa đã tuân thủ quy trình canh tác theo hướng VietGAP, dùng phân hữu cơ, vi sinh bón lót, xới xáo đất kỹ lưỡng, đảm bảo nguồn nước tưới, nên vườn cây lá gai luôn xanh tốt, cho sản phẩm sạch. Ông còn lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, vừa tưới tiết kiệm, vừa có tác dụng rửa sạch mặt lá cây, tránh bụi, đất và các pha tạp khác bám vào.
Ông Đỗ Như Hòa chăm sóc vườn cây lá gai. Ảnh: Đ.M.T
Ông Hòa cho biết: “Lá gai là nguyên liệu với hương vị đặc biệt để làm bánh ít lá gai, vốn là đặc sản Bình Định. Sau 45 ngày trồng, cây gai bắt đầu cho thu hoạch lá, năng suất bình quân 3 tạ lá tươi/sào. Một năm thu hoạch được 10 đợt lá; mỗi đợt khoảng 1 tấn lá tươi/3 sào. Hiện nay, giá bán tại vườn 7.000 đồng/kg lá tươi, gia đình tôi có thu nhập 70 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng truyền thống như bắp, đậu phụng, mì trên cùng diện tích.
Để da dạng sản phẩm, ông Hòa còn cung cấp lá gai khô theo nhu cầu dự trữ nguyên liệu của khách hàng. Lá gai tươi non xé nhỏ, bỏ gân lá, phơi 2 nắng to, thật khô là được thành phẩm, với tỉ lệ 6 kg lá tươi thành 1 kg lá khô.
“Sắp tới tôi mở rộng thêm diện tích lên khoảng 7 sào - 10 sào cây lá gai để tăng năng suất, sản lượng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng cao của khách hàng”-ông Hòa chia sẻ. 

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Mua cây lá bánh gai ở đâu tại hà nội

Cây gai có vị ngọt đắng, tính mát, đi vào hai kinh tâm, thận; thường dùng để trị các bệnh đường tiểu như: bí tiểu, tiểu đục, tiểu ra máu, còn dùng để cầm máu và trị động thai. Cây gai còn gọi là trữ ma, tầm ma, tầm gai, cây gai bánh. Tên khoa học Boehmeria nivea (L) Gaud, (Urtica nivea L), họ Gai. 



Đây là cây mà dân gian vẫn dùng lá làm bánh gai ăn và sợi để dệt làm lưới đánh cá. Cây này thường mọc hoang. Có thể trồng bằng gốc hay giâm cành vào mùa xuân. Cây sống lâu năm, có thể cao tới 1,5 – 2m. Lá lớn, mọc so le, hình tim, dài 7 – 15cm, rộng 4 – 8cm, mép có răng cưa, đáy lá hình tim hay hơi tròn, mặt dưới trắng vì có nhiều lông trắng, mặt trên có màu lục sẫm, ráp, có 3 gân từ cuống phát ra. Lá và rễ cây này đều dùng làm thuốc. Lá bánh gai thu hái vào mùa hè, phơi khô, tán bột để làm bánh. Thân cây có sợi dừng để dệt bao bố. Rễ được gọi là trữ ma căn, hái vào bất cứ mùa nào, nhưng tốt nhất là vào thu đông. Hái về rửa sạch đất phơi hay sấy khô. Rễ có vị đắng, tính hơi hàn, quy kinh tâm, thận. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ, thông lâm, an thai. Dùng trong các trường hợp đơn độc, sang lở, đái buốt, đái rắt, phụ nữ có thai đau bụng, ra huyết, xích bạch đới, viêm cổ tử cung. Liều dùng 10 – 20g.